Make Thing – một vài chia sẻ riêng tư
Dear anh Nam.
Em là một người bạn của anh trên facebook. Hôm trước em có gửi comment về make thing là em làm về cái búa - Chắc anh còn nhớ.
Em gửi tin nhắn riêng cho anh vì anh em mình chém gió trên mạng cũng nhiều rồi. Và anh cũng muốn kết thúc vấn đề này trên các bài đăng face, nên em muốn gửi cho anh bài viết này như một lời tâm sự của riêng em.
Khi anh có bài viết liên quan đến BK và make thing thì mọi người vào comment ầm ầm em nghĩ một phần là vì tín đồ BK rất là đông đảo và đang làm ở mọi ngành nghề trong xã hội, nên phản biện rất nhiều chiều. Ngoài ra, có thể nó là một vấn đề mà anh em trí thức ai cũng trăn trở.
Tin nhắn này em muốn nói chuyện với anh Nam về một màu sắc mà em đã trải qua khi em là sinh viên đào tạo từ BK và trưởng thành. Nếu nhìn theo góc nhìn rộng, thì BK không cần thiết tất cả đều make thing, mà ở một lớp sẽ có một vài nhóm make thing là đã thành công. Khi em còn học ở BK, lớp em có 03 nhóm làm robot để ứng dụng vào các việc khác nhau.
Ở trường BK có một số thầy rất biết hỗ trợ sinh viên ứng dụng công nghệ để chế tạo ra sản phẩm ứng dụng. Ví dụ như thầy giáo của em khi xưa là thầy giáo đi học ở nước ngoài về. Thầy đã cho nhóm bọn em tiền để chế tạo ra robot gắp được đồ vật dùng điều khiển từ xa. Chính dự án này đã là bước tập dược đầu tiên để nhóm em có khả năng chế tạo một sản phẩm hoàn thiện từ thiết kế gia công cơ khí, lập trình mô phỏng, lập trình nhúng, vẽ mạch điện tử, lập trình PLC để điều khiển robot…
Thầy giáo dạy em là một người có tư duy cởi mở, khi mới ở nước ngoài về thì còn có điều kiện để tài trợ tiền cho sinh viên để làm các đề tài thực tế. Nhưng em để ý, sau đó một vài khóa, thầy cũng nghèo đi và không còn điều kiện làm như vậy nữa. Nhà trường BK cũng không có chiến lược nào để hỗ trợ sinh viên. Bản thân em, sau khi trưởng thành và có điều kiện, em đã quay trở trường tài trợ cho khoa em học 10 xuất học bổng hàng năm để làm đề tài thực tế.
Những người như thầy giáo em ở BK không nhiều, chính bởi vậy khi nghe thấy đề tài anh nêu ra trên face, em cũng đã rất trăn trở suy nghĩ, đúng là BK phải làm như thế nào đó, có chiến lược để có nhiều người thầy như thầy giáo em, có tinh thần make thing và thắp lên ngọn lửa mạnh mẽ making thing. Bởi hầu hết, các thầy đi dạy ở BK em thấy đều quanh quẩn với vấn đề cơm áo gạo tiền…
Có lẽ em là con nhà make thing nên khi trưởng thành lên em cũng đã có thể làm make thing. Ông già nhà em trước là thợ may, ông may quần áo rất đẹp. Bộ vest em mặc để đi du học sang ở Nhật là do ông may. Bản thân ông già là một người lính chiến giải phóng miền nam và sau giải phong có tham gia các trận đánh ở nước bạn campuchia, gần hết chiến tranh thì ông già nhà em xin về phục viên và lấy vợ sinh ra bọn em. Ông làm thợ may vì miếng cơm manh áo.
Công việc của em hiện tại cũng là make thing.
Sau khi làm tiến sỹ bên Nhật, em có làm cho công ty của Nhật, sau đó học việc và học thiết kế của người ta, mang về áp dụng ở Việt Nam. Công ty em lập ra Chuyên sản xuất các hệ thống lò đốt rác, hệ thống xử lý nước thải cho các nhà máy, cho các xã huyện, bệnh viện …
Và thật lạ là trong nhóm bọn em 05 người, mà giờ chỉ có mình em giờ làm make thing, mặc dù trước đây học cùng một lớp, được một thầy giáo giỏi và nhiệt tâm hướng dẫn, thế nhưng những anh em còn lại giờ đều đi làm thuê không liên quan gì đến chế tạo sản phẩm, có người hiện nay vẫn đang ngồi code cho Fpt.
Nói như vậy, để có một cái nhìn khác về việc có duyên với nghề nghiệp, khi đi học và khi đi làm có thể hoàn toàn khác nhau. Khi học ở BK các thầy có thể dạy rất chuẩn chỉnh, nhưng khi đi làm nghề lại chọn người.
Những hình ảnh em gửi anh hoàn toàn là những sản phẩm công ty em sản xuất, hiện nay ngoài bán ở Việt Nam, còn bán cho các nhà máy của các công ty Nhật như Honda, Yamaha, Nitori, Hoya, Hitachi, Kyocera… mà nhà máy của họ lắp đặt ở khắp nơi trên thế giới.
Make thing em nghĩ khó nhất vẫn là make cái gì, và bán như thế nào. Bản thân em thì em thấy vẫn phải có một quá trình lao động thực tế make thing, với em kể từ khi sinh viên đến khi make thing thực sự thì phải mất khoảng 9-10 năm. Và một điều quan trọng nữa, đó là trong tay phải có tập khách hàng. Trong thời gian em học việc ở Nhật, em đã chăm chỉ giao lưu và tiếp xúc với các hãng, không bỏ một cơ hội nào để gặp gỡ và giao lưu với những người khách quốc tế, gặp nhau ở các hội trợ, triển lãm…Sau này chính những mối liên hệ này, em đã tìm thấy tập khách hàng để có thể bán những thứ công ty em sản xuất ra.
Thế giới hiện đại này có nhiều cách khởi nghiệp, có rất nhiều cách để đi đến thành công. Tuy nhiên, đúng như lời các anh nói, đất nước không thể hùng cường được khi không có lực lượng đông đảo làm make thing. Nhưng đúng là khởi nghiêp make thing thì thật là gian khổ.
Em nghĩ đến việc tại sao Pháp, Mỹ lại sản xuất ra máy bay, tàu vũ trụ bay vào không gian. Nhưng khi em nghĩ đến những chi tiết cơ khí chính xác trên máy bay lại được sản xuất tại những nhà máy với quy mô gia đình ở Nhật Bản mà em đã từng đi qua. Make thing còn liên quan rất nhiều chuỗi cung ứng, chất lượng sản phẩm và mối quan hệ làm ăn trên bến dưới thuyền giữa các công ty.
Đất nước mình dân số đang tiến tới con số 100 triệu người, người sáng tạo ra xã hội này chính là nhân dân. Em nghĩ trong 100 triệu người đó, sẽ bằng cách này hay cách khác, sẽ làm được những điều mà cả anh và cả em hiện nay đang trăn trở.
Cũng phải có những trí thức đưa ra những ý kiến phản biện như anh Nam để đánh thức những trăn trở của những tổ chức lớn và quan trọng như đại học BK để những người có trách nhiệm không ngừng đặt ra câu hỏi và đưa ra những giải pháp cải thiện.
Em tâm sự với anh đến đây cũng tương đối dài mất rồi, em không chiếm thời gian của anh nữa.
Ảnh: Website công ty cổ phần ốc vít Việt Nam, một công ty Make Thing khác gửi cho tôi